Sau những trận cháy rừng tàn phá rừng ở miền Tây nước Mỹ, câu hỏi đặt ra là vùng rừng nào có thể tự phục hồi và vùng nào cần sự hỗ trợ từ con người.
Các nhà quản lý rừng hiện có thể sử dụng một công cụ để giải quyết câu hỏi trên. Công cụ này, được gọi là Công cụ Dự báo Tái sinh cây lá kim sau cháy (POSCRPT), giúp xác định nơi nào cây có khả năng tái sinh tự nhiên và nơi nào cần trồng nhân tạo để phục hồi những khu vực dễ bị tổn thương nhất của rừng, chỉ trong vòng vài tuần sau hỏa hoạn.
POSCRPT là thành quả của các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), và Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ.
Các loài cây lá kim, hoặc thực vật có nón như cây thông, thống trị nhiều khu rừng ở miền tây Bắc Mỹ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng cây lá kim ít có khả năng tái sinh sau hỏa hoạn khi cây con gặp điều kiện khí hậu khô hạn, đặc biệt là ở những khu rừng dưới thấp vốn đã thường xuyên bị hạn hán. Nhìn chung, dự kiến sẽ có ít cây lá kim phát triển ở các vùng thấp hơn của California sau cháy rừng, do điều kiện khí hậu và hạn hán.
Một khu vực sau cháy ở California với rất ít cây tùng tự tái sinh.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng khi cháy rừng kèm theo hạn hán, cây con khó lớn và rừng ít có khả năng tự mọc lại hơn", Joseph Stewart, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại USGS, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Một nhóm nghiên cứu ở Đại học California đã thu thập dữ liệu phục hồi sau hỏa hoạn từ hơn 1.200 khoảnh rừng nghiên cứu trong 19 trận cháy rừng từ năm 2004 đến năm 2012, cũng như dữ liệu về khả năng sản xuất hạt giống của rừng trong 18 năm.
Bên cạnh đó, các nhà sinh thái học tại USGS đã thu thập và xác định hơn 170.000 hạt giống.
Kết hợp những dữ liệu này với hình ảnh vệ tinh đa góc nhìn, bản đồ cấu trúc rừng, khí hậu và các dữ liệu môi trường khác, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các mô hình không gian về khả năng xuất hiện hạt giống và xác suất tái sinh cho các nhóm cây lá kim khác nhau, bao gồm cây thông và linh sam.
Các nhà quản lý rừng đã sử dụng một bản nguyên mẫu của công cụ này trong những năm gần đây để hiểu rõ hơn về nơi cần tập trung trồng rừng sau hỏa hoạn. Bản nâng cấp mới kết hợp thông tin về khí hậu sau hỏa hoạn và khả năng sản xuất hạt giống của rừng để tăng độ chính xác của dự báo, đồng thời bao gồm giao diện web dễ sử dụng.
"Công trình này là một ví dụ tuyệt vời về cách nhiều đối tác có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên đang nảy sinh từ xu hướng khí hậu và hỏa hoạn của California", đồng tác giả Hugh Safford, nhà sinh thái học khu vực cho Khu vực Tây Nam Thái Bình Dương của Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ, nói.
Đăng nhận xét