CÔNG VIỆC CỦA NHÀ QUAY PHIM
Nếu bạn là một nhà quay phim tự do hoặc làm việc cho các cửa hàng chuyên quay các buổi sinh nhật, tiệc cưới, các buổi họp tổng kết của các cơ quan v.v..., công việc của bạn khá linh động với chiếc máy quay phim. Nhận được đề nghị từ phía khách hàng, bạn sẽ tới làm việc cụ thể với họ về mục đích quay, thời gian, nội dung chương trình, và các yêu cầu liên quan. Sau khi quay phim, bạn in những gì đã quay ra băng, đĩa và giao cho khách hàng. Hiện nay, nhiều nhà quay phim thường kèm theo cả dịch vụ biên tập băng đĩa tạo một số hiệu ứng theo yêu cầu đặc biệt của khách hàng.Nếu bạn là nhà quay phim làm việc trong các đài truyền hình, lịch quay của bạn sẽ gắn chặt với phóng viên hoặc các chương trình ở trường quay. Thường các đài truyền hình luôn có đội ngũ quay phim rất mạnh và đông đảo, chuyên môn hóa trong từng mảng, lĩnh vực.
Quay phim quảng cáo, ca nhạc... cũng có những đặc thù riêng và có những nét giống quay phim trong điện ảnh. Hàng ghế số 3 sẽ tập trung giới thiệu với cáo bạn công việc của những nhà quay phim trong lĩnh vực phim ảnh.
Trước tiên, nhà quay phim là người chịu trách nhiệm về các yếu tố kĩ thuật của các hình ảnh như ánh sáng, lựa chọn ống kính, chọn phim... Không chỉ vậy, nhà quay phim còn phải cùng với đạo diễn để đảm bảo các yếu tố nghệ thuật, thẩm mĩ nhằm hỗ trợ cho ý tưởng của đạo diễn về mặt hình ảnh trong việc kể chuyện.
Là người đứng đầu tổ quay phim, bao gồm cả bộ phận ánh sáng và các kĩ thuật viên liên quan nên họ cũng thường được gọi là Giám đốc hình ảnh (đôi khi được viết tắt là DP = director of photography).
Cùng với đạo diễn, nhà quay phim là người đưa ra những quyết định nghệ thuật, sáng tạo, tác động đến cảm nhận tổng thể và ấn tượng thị giác của một bộ phim trong suốt quá trình làm phim.
Một phần trong số những quyết định này tương tự với những gì một nhà nhiếp ảnh phải làm khi chụp một bức ảnh: chọn phim (vì mỗi loại phim có độ nhạy sáng và bắt màu khác nhau), chọn ống kính, xác định tiêu cự...
Cùng với sự ra đời của máy quay video và nhất là sự phổ biến của máy quay kĩ thuật số trong những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhà quay phim ngày càng có nhiều sự lựa chọn chất liệu trong công việc của mình.
Tuy nhiên, công việc của một nhà quay phim phức tạp hơn vì họ không chỉ hoạt động đơn lẻ như một nhà nhiếp ảnh chụp một bức ảnh tĩnh mà phải phối hợp với nhiều người khác để tạo nên những hình ảnh chuyển động. Do đó, công việc của một nhà quay phim còn bao gồm cả quản lý nhân sự và tổ chức hậu cần.
Nhà quay phim là một trong những thành phần sáng tác chính của bộ phim, anh ta phải có mặt từ những phút đầu và làm việc nghiêm túc.
Ngay khi kịch bản được thông qua, nhà quay phim đã bắt tay vào công việc chuẩn bị cẩn thận trước khi bấm máy. Cùng với đạo diễn, họ phải viết kịch bản phân cảnh. Kịch bản phân cảnh tức là dựa trên kịch bản ngôn ngữ, người đạo diễn và quay phim sẽ thống nhất dàn cảnh, chọn vị trí đặt máy quay, phối hợp các chuyển động của máy quay với di chuyển của diễn viên hoặc phương tiện chuyển động khác.
Kịch bản phân cảnh rất quan trọng, nó giúp người quay phim có được cái nhìn tổng thể của cả bộ phim, hiểu được ý đồ sáng tác của đạo diễn, từ đó chọn lựa những phương pháp tổ chức cho phù hợp. Có được kịch bản phân cảnh, công việc tại trường quay cũng khoa học và hiệu quả hơn.
Đồng thời, người quay phim cũng phải tham gia vào các hoạt động chuẩn bị khác như lựa chọn diễn viên, làm việc với bộ phận thiết kế mĩ thuật về việc thiết kế bối cảnh, chọn địa điểm để quay ngoại cảnh. Việc thống nhất với các bộ phận khác để lựa chọn phục trang, hoá trang, chọn đạo cụ cũng rất quan trọng.
Với nhà quay phim, viết bản kế hoạch quay phim rất quan trọng. Nhiều nhà quay phim chỉ dựa vào kịch bản phân cảnh để làm việc, nhưng đó là sự chuẩn bị thiếu cẩn thận, và do đó không tránh khỏi sai sót. Kế hoạch quay phim là hình dung cụ thể và chi tiết của nhà quay phim về những việc anh ta dự định làm trong suốt quá trình quay phim dựa trên một kịch bản cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, nhà làm phim không hoàn toàn phụ thuộc vào bản kế hoạch này mà làm mất đi tính ngẫu hứng đầy sáng tạo. Đôi khi những lý tưởng độc đáo bất ngờ xuất hiện và mang lại những kết quả không ngờ. Nhưng nhìn chung, kế hoạch định sẵn vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Và cuối cùng, nhiệm vụ trung tâm của nhà quay phim chính là quay phim - như tên gọi của nó. Với sự hỗ trợ của máy móc và các kĩ thuật viên, nhà quay phim điều khiển máy quay, ghi lại những hình ảnh chuyển động.
Trong khi quay, có bốn yếu tố các nhà làm phim phải đặc biệt chú ý: ánh sáng màu sắc, bố cục của khuôn hình và chuyển động của máy quay. Và đây cũng chính là bốn yếu tố tạo hình quan trọng nhất của nhà quay phim.
Đăng nhận xét