QUY TRÌNH THỰC HIỆN PHÓNG SỰ TRUYỀN HÌNH
1. Tác nghiệp tại hiện trường (thu thập thông tin – kể chuyện bằng hình ảnh)1. 1. Công việc của phóng viên biên tập (thu thập thông tin và kiểm chứng thông tin):
a, Quan sát:
- PV quan sát sự kiện diễn ra tại hiện trường.
- Chú ý các chi tiết liên quan đến sự kiện/ vấn đề.
- Chú ý thái độ, cử chỉ hành động, giọng điệu của các nhân vật liên quan hay các nhân chứng để xác định quy mô, mức độ, trạng thái của sự kiện, vấn đề.
b, Ghi chép:
Đây là phần bổ sung không thể thiếu ngoài các thông tin ghi được bằng camera và micro. Đôi khi cũng có những trường hợp mà phóng viên không được phép thu âm hoặc quay phim thì ghi chép là công việc quan trọng.
c, Tìm những người trực tiếp tham gia sự kiện để thu thập thông tin và phỏng vấn:
- Phải tìm được những người liên quan (càng nhiều càng tốt) đến sự kiện.
- Nếu tìm được người tham gia trực tiếp vào sự kiện đó thì càng tốt.
- Khi thấy cần thiết, phải tìm những người có thẩm quyền phát biểu về sự kiện đó.
- Tìm hiểu thông tin liên quan qua tài liệu (văn bản nhà nước, sách báo, internet…)
d, Xác định độ tin cậy của nhân chứng và người cung cấp tin:
- Một vài sự kiện luôn thu hút một số người tò mò. Không ít người sẵn sàng kể những chi tiết mà họ không hề nhìn thấy. Đây chính là những cái bẫy đối với phóng viên. Chính vì vậy phải nhanh chóng phân loại nhân chứng và người cung cấp tin để không bị sai lầm khi thu thập thông tin và không để vuột mất những nhân chứng đích thực.
- Cần có vài câu hỏi trước và trong khi chuẩn bị micro có thể đủ để phân loại nhân chứng và đối tựơng phỏng vấn.
e. Kiểm chứng thông tin:
- Các đồng nghiệp:
Trò chuyện với những đồng nghiệp của các cơ quan báo chí khác để kiểm tra thông tin. Kết hợp với các phóng viên báo khác khi cần.
- Báo chí địa phương:
Phóng viên địa phương là một nguồn thông tin quan trọng. Rất nhiều khi tác phẩm sẽ không thể hoàn thành nếu không có sự giúp sức của các phóng viên điạ phương.
- Các chuyên gia:
Đây là những người có thể cung cấp thông tin phân tích hữu ích.
- Các nguồn tin chủ quan:
Đó chính là góc nhìn qua quan sát thực tế, vốn sống kiến thức nền để đi đến nhận định, cảm nhận, phán đoán của phóng viên:
Không nên coi nhẹ cảm nghĩ ban đầu, phóng viên có quyền và nên có ý kiến riêng.
1.2. Công việc của phóng viên quay phim (Kể chuyện bằng hình ảnh):
a, Kể lại câu chuyện bằng hình ảnh :
- Làm kịch bản phân cảnh.
- PV quay phim phải quay đủ hình ảnh phục vụ cho góc độ của phóng sự. chuẩn bị những cảnh để mở đầu và kết thúc cũng như chuyển cảnh trong phóng sự.
- Trong khi làm việc thì phóng viên quay phim và biên tập luôn phải thông tin cho nhau về những hình ảnh đã ghi được, về những thông tin mới cập nhật để biết là hình ảnh quay đã đủ chưa, phỏng vấn còn thiếu không.
b, Tôn trọng ngữ pháp hình:
- Sử dụng thành thạo và phù hợp khi chọn các góc quay, các động tác máy, trục hình ảnh.
- Tất cả các động tác máy chỉ áp dụng khi quay một cảnh dài. Nên tránh động tác máy khi làm phóng sự truyền hình có thời lượng ngắn (từ 3-5 phút).
2. Dựng phóng sự (công việc hậu kỳ)
2.1. Công việc của Phóng viên biên tập
a. Xem băng nháp
- Chọn trước các cảnh quay ưng ý, các đoạn phỏng vấn nhân vật, dự kiến trước đoạn phỏng vấn cần trích dẫn vào PS
- Xác định chắc chắn thời lượng tác phẩm hoàn chỉnh
b. Làm kịch bản dựng
- Để có được kịch bản này, PV Biên tập phải xem băng trước, ghi chú cụ thể từng cảnh quay để kỹ thuật dựng làm việc căn cứ vào kịch bản.
- Kịch bản là căn cứ để ê kíp PV biên tập phối hợp làm việc với kỹ thuật dựng phim.
- Kỹ thuật dựng hiểu được ý đồ thể hiện tác phẩm của PV biên tập và PV quay phim.
- Lãnh đạo duyệt nội dung và hình thức của tác phẩm thông qua kịch bản dựng.
c, Viết lời dẫn và lời bình:
- Lời dẫn:
Thông thường trong cả tin và phóng sự, nội dung của phần dẫn thường trả lời 4 câu hỏi chính: ai? cái gì? ở đâu? bao giờ?
Yêu cầu đối với lời dẫn là cô đọng, có sức hút, gợi sự tò mò, liên tưởng có điểm nhấn.
o Dẫn theo lối kể chuyện: Giới thiệu câu chuyện bằng một mệnh đề bao quát tình hình chung, hay tóm tắt vài điểm chính của sự kiện, một điều gì gây sự chú ý của người xem, sau đó đi vào chi tiết.
o Dẫn theo lối gợi mở: Đó là lời dẫn ít cụ thể, không đưa ra tin chính, không để lộ nhiều câu chuyện mà chỉ chuyển tải những điều gợi mở để thu hút sự chú ý, tò mò, tạo sự mong đợi cho khán giả.
- Lời bình cho phần hình ảnh:
o Nội dung của phần này thường trả lời 2 câu hỏi: như thế nào? tại sao?
o Ngôn ngữ cần ngắn gọn, súc tích, gợi sự liên tưởng, nói lên được những chi tiết mà hình ảnh không thể diễn đạt được.
o Tạo được bối cảnh cho người xem.
o Kết nối các phỏng vấn.
o Kết thúc PS một cách ấn tượng.
2.2. Công việc của người dựng phim
- Phối hợp tốt với PV biên tập trong việc thể hiện ý đồ tác giả (nội dung) và thể hiện sự sáng tạo của tác phẩm (hình thức).
- Chọn lọc tiếng động hiện trường, chọn nhạc, các hiệu ứng kỹ xảo truyền hình (lưu ý hạn chế sử dụng trong PS ngắn).
- Tôn trọng nguyên tắc “câu ngữ pháp” của hình ảnh để làm cho các cảnh quay rời rạc trở thành một chuỗi hình ảnh có ý nghĩa.
- Thông qua kỹ thuật dựng, khắc phục những lỗi sai của quay phim để sử dụng tối đa các cảnh đã quay.
3. Sự phối hợp giữa các thành viên trong ê kíp
3.1. Phối hợp với ban biên tập:
- Phóng viên biên tập và quay phim phải thường xuyên giữ liên lạc với ban biên tập, nhất là trong những sự kiện quan trọng.
- Phóng viên biên tập, quay phim và ban biên tập phải thảo luận đưa ra hướng thống nhất cho từng ps và cả chương trình.
- Bất cứ sự thay đổi nào về đề tài, góc tiếp cận, hình ảnh…phải được sự thông qua của ban biên tập.
3.2. Phối hợp giữa biên tập và quay phim:
- Phối hợp bằng kịch bản phân cảnh
- Phối hợp trong những tình huống đột xuất: phóng viên quay phim phải luôn giữ liên lạc với phóng viên biên tập thông báo nội dung đã quay; biên tập thông báo nếu chủ đề, góc tiếp cận thay đổi, đảm bảo tính logic về hình ảnh trong câu chuyện.
3.3. Phối hợp giữa biên tập và dựng phim.
Đăng nhận xét