Nhà làm phim nữ liều mình với thể loại khó
TTO - Tuần qua, một số dự án đáng chú ý của các nhà làm phim nữ được công bố, nhận được kỳ vọng và không ít... hoài nghi.
Đó là các dự án phim Việt cổ trang, kỳ ảo: phim dã sử Quỳnh hoa nhất dạ do Thanh Hằng sản xuất, phim cổ trang Kiều do Mai Thu Huyền đạo diễn, phim siêu anh hùng Vinaman do Ngô Thanh Vân sản xuất và phim huyền sử Trưng Vương do Trương Ngọc Ánh và Janet Ngô sản xuất.
Những đề tài khó
Cổ trang, kỳ ảo là những thể loại giới làm phim Việt vốn "sợ" vì ngốn nhiều kinh phí, đòi hỏi bối cảnh và phục trang công phu. Việc các nhà làm phim nữ theo đuổi các thể loại này là rất đáng khích lệ, nhưng vì sao vấp phải phản ứng trái chiều?
Các dự án nói trên đều là những "ca khó". Quỳnh hoa nhất dạ kể về "lưỡng triều hoàng hậu" Dương Vân Nga, thuộc một thời đại xa xôi và có ít sử liệu cho nhà làm phim.
Phim Kiều dựa theo Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, tác phẩm quá nổi tiếng với người Việt nên dễ dàng bị săm soi, bắt lỗi. "Kiều là một đề tài khó, có rất nhiều khó khăn nhưng tôi chưa một lần từ bỏ ý định. Tôi đã ấp ủ dự án này suốt 10 năm" - đạo diễn Mai Thu Huyền chia sẻ.
Trưng Vương kể về hai vị nữ tướng lừng danh Trưng Trắc - Trưng Nhị và 7 vị nữ tướng. Phim lấy bối cảnh 2.000 năm trước và có dàn nhân vật hùng hậu, nên riêng khâu tuyển diễn viên đã mất nhiều thời gian.
Vinaman của Ngô Thanh Vân càng táo bạo khi là phim về siêu anh hùng của Việt Nam mang tên Vinaman.
Giới thiệu dự án, Công ty Studio68 của Ngô Thanh Vân cũng thẳng thắn nhận xét các phim siêu anh hùng Việt trước đây như Siêu nhân X (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) hay Lôi Báo (đạo diễn Victor Vũ) đều "chưa đạt thành công như mong đợi".
Tranh cãi từ trang phục đến tên phim
Đề tài khó không phải là trở ngại duy nhất. Khi theo đuổi phim cổ trang, kỳ ảo, giới làm phim luôn phải đối mặt với những cộng đồng khán giả khá nhạy cảm và gay gắt. Lý do là những tranh cãi "muôn thuở" về sử liệu, đặc biệt ở trang phục.
Vừa công bố hình ảnh, Quỳnh hoa nhất dạ bị chê vì thiết kế giống thời Mãn Thanh. Những hình ảnh tung ra sau đó cũng không khiến cộng đồng yêu thích cổ phong hài lòng. Các cuộc tranh luận khá gay gắt dù nhà sản xuất hứa lắng nghe góp ý.
Còn Kiều gây chú ý về chữ viết. Trong teaser mới tung, phim có tấm bảng Lạc Uyển Lâu bằng chữ quốc ngữ. Tranh cãi nổ ra khi một bộ phận khán giả cho rằng ở thời đại của Kiều chữ quốc ngữ chưa xuất hiện.
Lời giải thích của đạo diễn Mai Thu Huyền sau đó ("Chúng tôi không dùng chữ Nôm vì chữ Nôm khá giống chữ Hán, không phải ai cũng phân biệt được. Chúng tôi muốn làm một bộ phim thuần Việt") cũng không làm hài lòng dư luận.
Còn vấn đề của Vinaman nằm ngay ở tên phim. Ngay khi dự án được công bố, nhiều khán giả đã phản ứng tên Vinaman vì cho đây là một từ ghép thô, vụng và là cách ghép hơi cũ. Đồng thời cái tên cũng tạo trào lưu ảnh chế trên mạng, giúp dự án được quan tâm hơn.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tên gọi Vinaman đã được êkip quyết định từ cách đây một năm nên nhiều khả năng sẽ khó thay đổi.
Riêng Trưng Vương chưa gây nhiều tranh cãi vì mới bước vào vòng tuyển diễn viên. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh bày tỏ: "Tôi muốn thuyết phục mọi người rằng lịch sử không phải là những điều khô khan, chỉ khai thác điều đã cũ. Chúng tôi sẽ kể lại lịch sử theo cách hiện đại, phù hợp với người trẻ".
tuoitre.vn