CÁC YẾU TỐ TẠO HÌNH CỦA NHÀ QUAY PHIM
1.Ánh sáng - yếu tố quan trọng trong tạo hình quay phim
Ánh sáng là một thủ pháp hết sức quan trọng trong tạo hình quay phim. Nếu không có ánh sáng thì không thể có màu sắc, mà chính màu sắc lại tạo nên bố cục và kết cấu khuôn hình. Chính vì vậy, ngay từ khi điện ảnh ra đời, các nhà quay phim đã phải chú trọng đến chiếu sáng.
Ban đầu, người ta sử dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách quay ngoài trời hay dựng trường quay có cấu trúc đón sáng, thậm chí dựng cả một trường quay bằng kính. Tuy nhiên, với ánh sáng tự nhiên như vậy, các nhà quay phim và đạo diễn không thể điều chỉnh ánh sáng theo ý muốn của mình được.
Chính các nhà làm phim Hollywood là những người đầu tiên sử dụng ánh sáng nhân tạo bằng cách dùng các đèn chiếu công suất lớn tạo hình theo ý muốn. Ánh sáng của những nhà quay phim Mỹ được phân loại thành:
* Nguồn sáng chủ, còn gọi là ánh sáng tạo hình.
* Nguồn sáng phụ, còn được gọi là ánh sáng điều chỉnh.
* Nguồn sáng viền, còn được gọi là ánh sáng ngược. Ánh sáng ngược giúp tạo khối và tách biệt vật được quay ra khỏi bối cảnh.
Trong suốt một thời gian dài, việc tổ chức ánh sáng theo nguyên tắc ba điểm (như giới thiệu ở trên) được các nhà quay phim ưa chuộng bởi nó đã giúp tạo hình rất căn bản. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của nguyên tắc này là không mang lại cảm giác thực cho người xem. Sau đó, nhiều cách tổ chức ánh sáng khác nhau dựa trên nguyên tắc chung này đã ra đời với mục đích tạo ra cảm giác chân thực cho người xem.
Và kết quả là: ánh sáng được tổ chức ngày càng tinh tế hơn.
Vậy tác dụng của ánh sáng ra sao?
Ánh sáng tạo nên bầu không khí cho từng khuôn hình và toàn bộ bộ phim. Ánh sáng tối thường tạo nên khuôn hình u buồn, bi quan; có thể là huyền bí; thậm chí chứa chất nhiều nguy hiểm. Nhưng ngược lại, ánh sáng tươi vui có thể biểu thị cho sự an lành, vui vẻ. Tương tự như vậy, việc sử dụng ánh sáng của buổi hoàng hôn sẽ mang lại cảm giác khác với buổi bình minh; ánh sáng ấm khác với ánh sáng lạnh.
Mỗi khuôn hình sử dụng ánh sáng khác nhau sẽ tạo nên những cảm xúc khác nhau. Tính gợi cảm của khuôn hình phụ thuộc vào việc xử lí ánh sáng của nhà quay phim và đạo diễn. Vì vậy, người quay phim nhất thiết phải hiểu rõ bộ phim mình đang thực hiện cũng như phong cách người đạo diễn mình đang hợp tác.
Không những tạo nên bầu không khí chung cho bộ phim, ánh sáng giúp xây dựng nhân vật. Trước hết, nó góp phần tạo nên hình dáng của nhân vật. Việc chiếu sáng cho nhân vật hoàn toàn có thể làm cho nhân vật đẹp lên hay xấu đi, có thể nhấn mạnh vào một đặc điểm ngoại hình nào đó của nhân vật phục vụ cho sự phát triển của bộ phim.
Ngoại hình của nhân vật trước ánh sáng kì công đó có thể khác ngoại hình thực sự của diễn viên. Thậm chí việc chiếu sáng nhân vật còn làm cho người xem có cảm giác yêu ghét nhân vật bởi ánh sáng bộc lộ một phần tính cách và nội tâm của nhân vật. Không thể nghĩ rằng nhân vật đang vui vẻ hạnh phúc, lạc quan khi họ đi liêu xiêu trong bóng chiếu đang tắt dần.
Cũng như nhiếp ảnh, việc chiếu sáng tác động rất lớn vào đối tượng được chiếu sáng. Hiện nay, để miêu tả tính cách và tâm trạng của nhân vật người quay phim có cách bố trí ánh sáng rất khác nhau, công phu và đầy sáng tạo; vượt qua những quy ước đơn giản nhưng vẫn mang lại cảm xúc cho người xem.
Ánh sáng còn miêu tả được sự thay đổi của thời gian, các mùa trong năm. Nhiều khi chỉ cần xem một khuôn hình, không cần đến lời, người xem có thể phân biệt được rõ ràng thời gian xảy ra sự kiện.
Rõ ràng nhất là sự khác biệt giữa ngày, đêm, các mùa. Những bộ phim quay trong trường quay đều có thể tạo dựng thời gian theo ý muốn. Sự trôi chảy của thời gian cũng có thể miêu tả được thông qua cường độ của ánh sáng. Bóng đổ là một phương thức tạo hình hữu hiệu biểu thị thời gian qua đi như thế nào. Bóng vật dài ngắn khác nhau biểu thị cho các thời điểm khác nhau, bóng người lớn dần biểu thị cho sự phát triển của nhân vật qua thời gian.
Ngay trong thiết kế bối cảnh, ánh sáng cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu chỉ chiếu một nguồn sáng duy nhất, sẽ không thể tạo nên một không gian nhiều chiều. Người xem luôn có cảm giác đang đứng trước phông màn sân khấu chứ không phải một bối cảnh cụ thể như đời thường. Sự bố trí nguồn sáng sẽ tạo nên hình khối cho vật, giúp chúng tách biệt nhau và tồn tại như mắt thường nhìn thấy. Nhưng sự tách biệt này có đạt được độ chân thực hay không thì còn phụ thuộc vào tài năng của người quay phim.
Bên cạnh đó, ánh sáng còn được sử dụng như một phép ẩn dụ, chứa đựng tư tưởng của người nghệ sĩ. Trong trường hợp đó, tính chất của ánh sáng có thể được cường điệu hoá lên, nhằm chuyển tải một ẩn ý nào đó. Nhìn chung, người quay phim có thể tính toán độ mạnh yếu của ánh sáng, góc độ chiếu sáng, gam nóng, gam lạnh của ánh sáng để tạo nên phong cách của mình.
Phong cách này nhất thiết phải phù hợp với phong cách tổng thể của bộ phim, và thống nhất với phong cách của đạo diễn. Như vậy, việc sử dụng ánh sáng vừa là tài năng, vừa là trình độ thẩm mĩ của người quay phim.
2. Màu sắc
Trong suốt một thời gian dài, nhà quay phim chỉ quen với ba màu đen, trắng, xám trong các bộ phim của mình. Sau năm 1927, với sự kiện điện ảnh Mỹ cho ra đời những phim màu, nhà làm phim có một khối lượng lớn “bột màu” để sáng tạo.
Ngày nay, người ta vẫn sử dụng phim đen trắng trong một số cảnh nhất định nhằm phân biệt thời gian, không gian, tâm trạng nhân vật, suy tư của nhân vật,... Bởi thực chất phim đen trắng cũng mang lại hiệu quả thẩm mĩ cao, từ ba màu cơ bản của phim đen trắng, người ta có thể tạo ra được vô số những màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, nhà quay phim vẫn tự do hơn trong sáng tạo khi làm việc với phim màu.
Trong điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung, người ta phân chia màu sắc thành hai nhóm cơ bản là màu nóng và màu lạnh. Màu nóng bao gồm các màu: đỏ, vàng, da cam, vàng xanh,...; màu lạnh gồm: xanh lá cây, xanh da trời, tím... Nhà quay phim sẽ sử dụng các màu này để biểu đạt không gian, thời gian, tâm lí nhân vật,... trong phim. Nhưng quan trọng hơn cả là sử dụng màu sắc để tạo hiệu quả thẩm mĩ. Màu sắc không chỉ để tả mà còn là thủ pháp sáng tạo, hàm chứa tư tưởng của người nghệ sĩ.
Nhà làm phim thiết kế màu sắc như thế nào?
Trước khi tiến hành quay, nhà quay phim sẽ phải nghiên cứu kịch bản để tìm hiểu câu chuyện và thông điệp của kịch bản cùng với việc tìm hiểu ý đồ sáng tạo của đạo diễn để quyết định phong cách chung cho bộ phim.
Nhà làm phim sẽ tính đến màu sắc tạo hình trong từng khuôn hình, và hơn hết phải tính đến màu sắc tổng thể của các tông đoạn, của cả bộ phim. Màu sắc tổng thể này được gọi là “tông màu”, có nghĩa là dùng một màu đơn nhất hoặc một số màu gần nhau để hợp thành màu chủ đạo khiến cả trường đoạn hay bộ phim biểu hiện một tông màu hài hoà.
Màu sắc riêng lẻ hay tông màu rất quan trọng trong bộ phim, góp phần lớn vào việc biểu hiện không khí của bộ phim. Các tông màu khác nhau sẽ mang lại không khí khác nhau, như màu vàng cam ấm nóng của vùng nhiệt đới, màu xanh lạnh của sự hờ hững,...
Sự chuyển biến giữa màu sắc của các cảnh và màu sắc trong các trường đoạn cũng được tính toán cẩn thận, sao cho vẫn đạt được hiệu quả thẩm mĩ mà không phá vỡ tổng thể màu sắc của bộ phim.
Sau đó nhà quay phim sẽ phải phối hợp với các bộ phận khác của đoàn làm phim như thiết kế mĩ thuật, thiết kế bối cảnh, thiết kế trang phục, đạo cụ để cùng tạo ra màu sắc khuôn hình như mong muốn. Ngoài sự hợp tác này, nhà quay phim còn phải nghĩ đến các phương pháp khác như kết hợp với ánh sáng. Ánh sáng quyết định sắc thái của màu sắc, một màu đặt dưới ánh sáng khác nhau sẽ tạo nên các mức độ màu khác nhau. Chính vì vậy mà nhà quay phim không được tách rời ánh sáng và màu sắc.
Kĩ thuật in tráng và các kĩ thuật khác cũng tác động đến màu sắc. Người ta có thể góp phần tạo nên tông màu trong quá trình làm hậu kì cho phim. Các phương pháp kĩ xảo cũng có thể thay đổi màu sắc. Nhưng sự can thiệp này không nên quá “thô bạo”, sẽ tạo sự phản cảm, thiếu nghệ thuật.
Nhà quay phim có thể sáng tạo rất nhiều cách thức để tạo nên màu sắc độc đáo. Có những nhà quay phim sử dụng các tông màu biểu hiện nội dung, tư tưởng của bộ phim. Sự ẩn dụ ấy ít nhiều mang tính quy ước xã hội hay quy ước nghệ thuật. Nhưng không ít trường hợp, nhà quay phim lại sử dụng các tông màu đối chọi hoàn toàn với nội dung biểu hiện. Nhà quay phim giỏi phải thực sự làm chủ được màu sắc.
Nhà quay phim thiết kế màu sắc bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng luôn phải tôn trọng màu sắc thực, màu sắc của cuộc sống. Màu sắc tả thực không có nghĩa là màu sắc của phim tài liệu (thể loại mà nhà quay phim không tác động vào hiện thực khách quan), nhưng luôn có dấu ấn sáng tác của nhà quay phim. Có những bộ phim sử dụng màu sắc tượng trưng hay màu sắc khuếch trương, tạo thành một phong cách sáng tạo đặc biệt nhưng số lượng này không nhiều.
Thiết kế màu sắc là một sự sáng tạo công phu và kì diệu của nhà quay phim cùng các thành phần khác của đoàn làm phim. Bạn thích sự hài hoà hay sự đối chọi gay gắt của màu sắc trong mỗi bức tranh? Sao bạn không trở thành một nhà làm phim, được “chơi đùa” cùng màu sắc trong vô vàn những bức tranh liên tiếp?
3. Bố cục và kết cấu khuôn hình
Khán giả xem phim được nhìn cảnh vật và con người trong một giới hạn nhất định – các khuôn hình trên màn ảnh, khác rất nhiều khi nhìn bằng mắt thường. Trong giới hạn đó, nhà quay phim và đạo diễn có thể lựa chọn một mảng thực tế nào đó, bao gồm cả sự vật và con người, sắp xếp chúng hay tổ chức chất liệu ấy trong khuôn hình.
Có rất nhiều cách cấu tạo khuôn hình, khiến chúng không chỉ là sự mô tả cuộc sống mà còn hàm chứa ý nghĩa do người sáng tạo gửi gắm. Người xem qua mỗi khuôn hình có thể khám phá các tầng ý nghĩa này.
Trong hàng ghế tìm hiểu nhà quay phim là ai, bạn đã biết rằng, nhà quay phim không phải là nhà nhiếp ảnh. Nhà quay phim phải làm việc với những khuôn hình thường xuyên thay đổi, vì vậy họ phải tính toán bố cục của tất cả các khuôn hình sao cho hợp lí.
Vậy họ sẽ làm những gì? Họ sắp đặt người và cảnh vật theo một ý đồ nhất định, tính toán đến từng khoảng trống, từng đường nét, sao cho tạo thành một tổng thể hài hoà. Mục đích của việc bố cục khuôn hình là phải làm nổi bật đối tượng quay. Để phục vụ cho việc này, nhà quay phim sẽ phải lựa chọn chính xác vị trí của đối tượng quay, tính đến mối quan hệ giữa đối tượng quay và các đối tượng khác; mối quan hệ giữa đối tượng quay và cảnh vật xung quanh; sau đó họ phải lựa chọn góc quay và phạm vi khuôn hình sao cho hợp lí nhất. Để tạo một khuôn hình đẹp, cần bố cục nội dung khuôn hình sao cho đối tượng quay và các yếu tố tạo hình khác hoà hợp và thống nhất trong một tổng thể.
Sự hoà hợp và thống nhất ở đây không có nghĩa là bố cục khuôn hình phải cân đối. Việc tạo ra khuôn hình cân đối hay thiếu cân đối hoàn toàn là mục đích của người đạo diễn và nhà quay phim. Đó có thể là phong cách sáng tạo của họ, lại có khi là do kịch bản yêu cầu.
Thường những bố cục thiếu cân đối sẽ tạo nên không khí bất ổn cho bộ phim hay diễn tả tâm trạng chông chênh của nhân vật, nên bố cục cũng là một trong những yếu tố tạo hình diễn tả nội dung của bộ phim.
Một nhà quay phim có nhiều phong cách bố cục khuôn hình. Họ có thể tạo nên những khuôn hình như tranh vẽ hay những khuôn hình chân thực như chính cuộc sống ngoài đời, hoặc có thể là một bộ phim pha trộn nhiều phong cách; với mục đích truyền tải nội dung bộ phim, và cao hơn là tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cho cả bộ phim. Điện ảnh là một môn nghệ thuật, nhà quay phim là một người nghệ sĩ, nên sự sáng tạo và cái đẹp trong từng khuôn hình luôn được quan tâm.
4. Sự chuyển động của máy quay
Thời kì đầu, điện ảnh chịu ảnh hưởng nhiều từ sân khấu, nhưng sau đó, người ta đã phát hiện ra việc di chuyển máy quay sẽ tạo nên vô vàn cách tạo hình khác nhau cho điện ảnh. Vì vậy, việc di chuyển máy quay đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, vẫn có rất nhiều đạo diễn và nhà quay phim có phong cách dùng máy quay tĩnh, nhất là các đạo diễn châu Á, nhưng sức mạnh tạo hình từ việc di chuyển máy quay là không thể không thừa nhận.
Có nhiều cách để di chuyển máy quay. Cách phổ biến nhất là nhà quay phim sử dụng các phương tiện hỗ trợ giúp cho máy quay chuyển động như: thay đổi ống kính máy quay, thanh ray trượt, xe đẩy hay cần trục. Đơn giản và đã từng được coi là một cuộc cách mạng của các nhà làm phim là nhà quay phim dùng tay trực tiếp cầm máy quay và tạo nên sự chuyển động.
Dùng máy cầm tay là một trong những thủ pháp biểu hiện những cảnh đặc biệt, tuy nhiên, nó không thể sử dụng rộng rãi vì trọng lượng của máy quay phim rất lớn, không thể thường xuyên cầm trên tay để quay; hơn nữa, sẽ tạo nên các khuôn hình rung, nếu liên tục xem các cảnh quay bằng máy cầm tay sẽ gây chóng mặt.
Để chuyển động máy quay một cách linh hoạt tạo nên hiệu ứng hình ảnh ưng ý, nhà quay phim nhất thiết phải hiểu rõ đặc tính của máy quay, các loại ống kính và vai trò của chúng, các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ,... Tóm lại, nhà quay phim không chỉ là một người nghệ sĩ mà còn là một người kĩ sư am hiểu các thiết bị.
Chuyển động máy quay là một phương pháp tạo hình có nhiều ưu thế. Nó hỗ trợ rất nhiều trong việc kể chuyện thông qua các thủ pháp khác nhau: zoom, lia máy, montage... Các nhân vật, tâm trạng, địa vị và mối quan hệ của họ được khán giả biết mà không cần đến lời. Thậm chí còn góp phần biểu hiện tính cách, tâm lí của nhân vật. Những cú lia vội vã thường biểu thị tâm lí lo âu, đẩy ống kính chậm chậm lại gần có thể tạo nên cảm giác khiếp sợ, tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể.
Chuyển động máy góp phần tạo nên tiết tấu của bộ phim. Sự chuyển động ống kính nhanh có thể tạo nên nhịp điệu nhanh, vội vã cho bộ phim, ngược lại sự chuyển động ống kính chậm có thể tạo nên nhịp điệu chậm, khoan thai, thư thái.
Để tạo ra các sự chuyển động của máy quay, nhà làm phim phải tiến hành những thao tác nào? Bạn có thể hình dung ra hoạt động của nhà quay phim theo những phác hoạ sơ lược nhất như sau:
* Trước hết phải chọn ống kính quang học thích hợp vì những ống kính quang học khác nhau có những chức năng tạo hình khác nhau.
* Lựa chọn hình thức chuyển động khác nhau của ống kính như: zoom ra, zoom vào, lia, dùng cần cẩu di chuyển máy quay trên không trung, hoặc tổng hợp các phương pháp.
* Lựa chọn những góc quay khác nhau như quay chính diện, quay nửa mặt, góc máy hất lên hoặc chúc xuống.
* Lựa chọn những cỡ hình khác nhau như toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh hoặc đặc tả...
Sự chuyển động của máy quay là một yếu tố tạo hình quan trọng khiến điện ảnh trở thành một bộ môn nghệ thuật độc lập với sân khấu. Càng ngày các nhà quay phim càng sáng tạo nhiều cách thức chuyển động máy quay khác nhau, đôi khi tạo nên những phong cách độc đáo, gây những hiệu quả thẩm mĩ đáng nể.
Đăng nhận xét