NHỮNG PHẨM CHẤT GIÚP BẠN THÀNH CÔNG TRONG NGHỀ ĐẠO DIỄN
Đạo diễn là một nghề cực kỳ hấp dẫn nhưng trước khi bước chân vào nghề nghiệp này, bạn phải đối diện với một thực tế: Không phải ai cũng có thể trở thành đạo diễn. Vậy bạn cần những gì?
▶︎ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG PHONG PHÚ
Trước tiên, đạo diễn phải có trí tưởng tượng vô cùng phong phú để hình dung những câu văn mô tả mà nhà biên kịch, nhà văn viết trong kịch bản của mình thành hình ảnh: những câu nói, hành động, cử chỉ, sự việc cụ thể mà qua đó, khán giả có thể hiểu được thông điệp của cảnh quay.
▶︎ KHẢ NĂNG HIỆN THỰC HOÁ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
Có trí tưởng tượng thôi chưa đủ. Để trở thành một đạo diễn giỏi, người có trí tưởng tượng phong phú cũng phải là người có khả năng hiện thực hóa trí tưởng tượng bằng các sự kiện, hành động. Thế giới nội tâm của con người cực kì phức tạp. Do đó, người đạo diễn phải là người đủ nhạy cảm để khám phá, cảm nhận hết những thay đổi tinh vi đó trong tâm hồn con người. Sau đó, họ phải thể hiện nó bằng chi tiết cụ thế. Để diễn tả nỗi nhớ da diết, một nhà văn có thể dùng hàng chục trang viết để mô tả. Nhưng đối với một đạo diễn, phải có một hình ảnh, một chi tiết cụ thể nào đó để thể hiện, chứ hiếm khi có thể dùng lời mà biểu hiện được thành công. Đạo diễn giỏi chính là người sáng tạo ra những cách thể hiện, cách diễn tả độc đáo. Đôi khi, những chi tiết nhỏ đó trở thành “motif”, trở thành ẩn dụ mà nhiều người khác dùng đến trong những trường hợp tương tự.
▶︎ VỐN KIẾN THỨC, TRẢI NGHIỆM SỐNG
Đạo diễn làm việc với các bộ phim, mà mỗi bộ phim lại có những vấn đề, lĩnh vực tri thức riêng. Do đó, đạo diễn phải là người thông hiểu vấn đề được đề cập trong phim một cách kĩ lưỡng nhất, mới mong làm được bộ phim hay. Vốn kiến thức của đạo diễn phải phủ rộng vấn đề mà họ muốn nói tới trong phim: từ khoa học công nghệ, môi trường, võ thuật đến luật pháp, tôn giáo, chính trị v.v... Làm phim về một vùng đất là phải hiểu cả phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, tâm lí, luật pháp, lịch sử, tâm tính... của con người cư ngụ ở vùng đất đó. Mỗi chi tiết nhỏ trong phim đều đòi hỏi người đạo diễn phải hiểu biết tường tận, để chi tiết đưa vào được “đắt” mà không bị “non”.
▶︎ NHẠY CẢM VỀ TÂM LÝ
Đạo diễn phải là người có khả năng hiểu biết về tâm lý. Nếu muốn trở thành một đạo diễn giỏi, trước hết bạn hãy cố gắng làm một nhà tâm lý giỏi. Tập quan sát phản ứng và diễn biến tâm lý của những người xung quanh trước một sự kiện nhất định, bạn sẽ rèn luyện cho mình tư duy logic về tâm lý học. Điều này rất quan trọng trong xử lý tâm lý nhân vật xuyên suốt quá trình đạo diễn một bộ phim.
▶︎ ÓC SẮP XẾP, TỔ CHỨC
Mỗi bộ phim truyện có ít nhất hàng ngàn cảnh. Mỗi cảnh lại quay 2-10 lần, thậm chí mấy chục lần. Để tổ chức được những cảnh này, tất nhiên đạo diễn cần có sự giúp việc của đội ngũ thư kí trường quay, nhưng không có trợ lý nào lại đắc lực hơn chính đầu óc tổ chức của đạo diễn đó. Điều này đồng thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đạo diễn cùng với người dựng phim ráp các cảnh lại với nhau. Óc sắp xếp hợp lý sẽ đưa tới hiệu quả công việc cao, giải thoát họ khỏi tình trạng rối như tơ vò trong hàng ngàn, hàng vạn cảnh phim và hàng trăm đầu việc khác.
Có bao nhiêu lý do để trở thành một đạo diễn thì dường thư cũng có bấy nhiêu khó khăn để bạn vượt qua. Đừng quên trau dồi, học hỏi mỗi ngày, vì những đạo diễn thành công ngày hôm nay cũng đã phải vượt qua rất nhiều thử thách giống như bạn đấy.
(Nguồn: SIFS)
Đăng nhận xét